Covid-19 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý vnexpress.net
Nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ cho thấy Covid-19 gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho F0 như lo lắng, trầm cảm, sương mù não và rối loạn giấc ngủ.
Các nhà khoa học tại ĐH Washington đã phân tích hồ sơ y tế của gần 154.000 bệnh nhân Covid-19 và so sánh tình trạng của họ trong một năm (sau khi hồi phục) với nhóm không nhiễm nCoV. Tất cả tình nguyện viên không có tiền sử các bệnh về tâm lý trước khi mắc Covid-19.
Nghiên cứu cho thấy nhóm đã mắc bệnh có tỷ lệ trầm cảm cao hơn 39%, tỷ lệ rối loạn lo âu cao hơn 35% so với người chưa nhiễm virus. Tỷ lệ căng thẳng ở người từng là F0 cao hơn 38%, chứng rối loạn giấc ngủ cao hơn 41% so với nhóm không mắc Covid-19.
Tiến sĩ Paul Harrison, giáo sư tâm thần học tại Đại học Oxford, không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Số người gặp vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cao đáng kể". Theo ông, kết quả này tương đồng với những nghiên cứu khác.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy không phải tất cả bệnh nhân đều gặp vấn đề tâm thần. Khoảng 4,4% đến 5,6% tình nguyện viên được chẩn đoán trầm cảm, lo lắng, căng thẳng hoặc rối loạn điều chỉnh.
"May mắn, Covid-19 không tạo ra đại dịch về vấn đề tâm lý. Song nó vẫn để lại những tổn hại nhất định, không thể xem thường", tiến sĩ Harrison nói.
Các bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ gặp vấn đề nhận thức như chứng sương mù não, lú lẫn, hay quên cao hơn 80% so với người không mắc bệnh, nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn 34%.
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Providence Mission ở Mission Viejo, California. Ảh: Reuters
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Providence Mission ở Mission Viejo, California. Ảnh: Reuters
F0 nhập viện có tỷ lệ mắc bệnh về tâm lý cao hơn người nhiễm virus dạng nhẹ. Song bệnh cũng ảnh hưởng đến cả các ca điều trị tại nhà.
"Một số người nói các F0 phát sinh chứng trầm cảm là do họ phải đến bệnh viện hoặc nằm một tuần trong khu hồi sức tích cực. Đúng là nguy cơ này ở người không nhập viện thấp hơn, nhưng nó vẫn đáng kể", tiến sĩ Ziyad Al-Aly, chuyên gia dịch tễ Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể gây ra phản ứng miễn dịch quá mức, tức là hệ miễn dịch tiếp tục tấn công tế bào khỏe mạnh sau khi đã đẩy lùi được virus. Nó gây ra tình trạng viêm. Từ đó, bệnh nhân phát triển cục máu đông trong não, có thể dẫn đến đột quỵ.
"Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não theo nhiều cách, bao gồm khả năng tạo serotonin, chất dẫn truyền thần kinh, là nền tảng của tâm trạng và giấc ngủ", Maura Boldrini, phó giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học NewYork-Presbyterian Columbia, giải thích.
Những tác động này có thể gây ra vấn đề tâm lý, đặc biệt ở những người đang cảm thấy stress do mắc Covid-19 hoặc vì quy định cách ly kéo dài.